Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Tự ti, phân vân, lo lắng, nghi ngờ bản thân,… những cảm xúc tiêu cực mà sinh viên IT/ lập trình viên nào cũng sẽ gặp phải

Tự ti, phân vân, lo lắng, nghi ngờ bản thân,… những cảm xúc tiêu cực mà sinh viên IT/ lập trình viên nào cũng sẽ gặp phải

Cách đây không lâu, mình có nhận được một lời tâm sự từ một bạn sinh viên IT:

Hiện em đang là sinh viên năm 3 của trường Bưu Chính Viễn Thông. Hôm nay em nhắn cho a cái gmail này vì em không viết phải nói ra với ai và như nào được nữa ạ. 
E đang rất lo lắng và sợ hãi nhưng em cứ trơ ra và không biết sợ là gì ạ. @@ 
Em theo học công nghệ thông tin của trường tính đến nay là năm thứ 3. Điểm của em rất rất kém ạ, hiện tại là là mức trung bình. 
Em không có một định hướng nghề nghiệp gì cho bản thân cả. em xin lỗi vì lại hỏi anh ngay cả trong khi bản thân em cũng không có một chút định hướng nào. 
Em thấy bản thân mình không bằng bạn bằng bè quá nhiều. Lực học rồi đến cả sự cố gắng cũng k đủ. hay bỏ dở giữa chừng, chẳng làm cái gì ra hồn và đúng là em chưa bao giờ lam được chuyện gì ra hồn cả ạ. mấy năm là sinh viên đi học. em mải làm thêm kiếm tiền mà bỏ học trên lớp. em không lên lớp nghe giảng. đi thi cuối kì môn đc thi môn không. môn được thi em thi chỉ đủ điểm qua. có nhưng môn em học lại đến lần thứ 3 mà vẫn k qua. chỉ vì em không lên lớp. mấy ngôn ngữ học trên trường hiện tại em cũng chỉ biết một chút về ngôn ngữ C.

Bạn sinh viên gửi thư có vẻ hơi thiếu tự tin và nghi ngờ về khả năng của bản thân, lo lắng khi thấy mình không bằng bạn bằng bè. Mình nghĩ rằng không chỉ bạn ấy, mà ngay cả mình, hoặc các bạn đọc của blog này chắc cũng đã từng có những suy nghĩ như vậy.

Do vậy, mình viết bài này để trải lòng về những cảm xúc tiêu cực mà sinh viên IT và các bạn mới đi làm hay gặp phải, cũng như cách để vượt qua chúng nhé.

Nghi ngờ khả năng và lựa chọn của bản thân

Khi còn đi học, đôi khi học phải những môn khoai khoai (như thuật toán và cấu trúc dữ liệu), hoặc gặp phải những bài tập khó, nhiều khi các bạn sẽ cảm thấy bế tắc vì bỏ hết mấy ngày mà vẫn tìm không ra lời giải.

Hoặc ngay khi mới nhập môn lập trình, chỉ những bài tập đơn gỉản đã khiến bạn vò đầu bức tai, sứt đầu mẻ trán. Chúng làm các bạn cảm thấy mình không đủ khả năng code, không phù hợp với nghề lập trình.

Bạn tự hỏi liệu khả năng của mình có hợp với ngành này hay không, chẳng lẽ mình đã chọn sai ngành? Các bạn biết không, mình cũng từng cảm thấy như vậy đấy!

Bạn tự hỏi không biết mình có chọn nhầm ngành hay không…

Ngày trước, thời học C++, mình từng chửi trời chửi đất chửi thầy cô vì những bài tập chó má khốn nạn, làm 2-3 ngày vẫn chưa xong. Nhiều lúc mình cũng tự hỏi “Phải chăng mình không đủ thông mình để theo ngành lập trình?”.

Đến nay, khi đã đi làm một thời gian, nhìn lại những bài tập hồi trước, mình thấy chúng chỉ … đơn giản như trò con nít.

Liệu có phải là do nay mình thông mình hơn ngày xưa hay không? Không! Chỉ đơn giản mà vì mình đã code nhiều hơn, đã quen với việc tư duy và giải quyết vấn đề nên không thấy chúng khó nữa.

Các bạn thấy đấy. lập trình viên giỏi không tự sinh ra, mà phải trải qua quá trình khổ luyện và đổ mồ hôi nước mắt. Bản thân Bill Gates cũng phải mất 10000 giờ ngồi nghịch code ở máy trên trường để luyện khả năng code.

Do vậy, khi gặp khó khăn trong quá trình code, đừng nghĩ mình không có khả năng, hãy nghĩ rằng mình chưa luyện tập đủ mà thôi nhé!

Đừng nghĩ mình không có khả năng, hãy nghĩ rằng mình chưa luyện tập đủ mà thôi nhé!

Phân vân vì có quá nhiều lựa chọn

Ngành CNTT có rất nhiều cơ hội và rất nhiều lựa chọn, dẫn tới chuyện đôi khi các bạn cảm thấy phân vân, lạc lối không biết phải lựa chọn ra sao.

Ngành CNTT trong các trường có khá nhiều phân ngành nhỏ: Computer Science, Software Engineering, Engineering, Security, … Điều này làm các bạn bối rối không biết nên lựa chọn hướng đi như thế nào.

Cảm giác này mình cũng đã từng trải qua hồi năm 3, khi phải lựa chọn giữa ngành Hệ Thống Thông Tin và Hệ Thống Nhún (cố ý viết nhún cho nó đen tối). Lúc ra trường cũng vậy, mình không biết nên tập trung học ngôn ngữ A hay B, nên theo web hay mobile, nên làm front-end hay back-end.

Đi làm một thời gian, mình nhận ra rằng lựa chọn thật ra không quan trọng. Ngành IT mình đang khát nhân lực nên các bạn có rất nhiều cơ hội. Cứ chọn đại một con đường nào đó để đi, sau đó nên phù hợp thì theo, không phù hợp thì chuyển thôi!

Đôi khi bạn sẽ phân vân khi phải lựa chọn ngôn ngữ/công nghệ để học, hoặc con đường cho tương lai

Làm mobile một hồi thấy thích web hơn, ok nhảy thôi! Code Java chán quá thấy JavaScript hay hơn, ok nhảy luôn!

Bản thân mình từng gặp anh Đạt bên daynhauhoc, anh làm Embedded Engineer đã 6,7 năm mà còn chuyển ngành qua làm Web Developer tại Garena Singapore được cơ mà.

Lo lắng và so sánh bản thân mình với người khác

Thuở mới vào Đại Học, kiến thức về lập trình của mình là con số 0 to tổ tướng. Ngồi chung lớp, học chung với những thằng từng đươc giải Tin học quốc gia, huy chương ACM này nọ, rành rọt C, Pascal,  v…v, mình cứ so sánh rồi lo lắng mình sẽ bị thua kém và tụt hậu.

Thuở mới đi làm, mình cũng hay so sánh thằng C thằng D ra trường lương cao mười mấy củ mà mình chỉ mới có 5,6 củ.

Thế rồi, mình nhận ra rằng, mỗi người có một con đường riêng. Có thể nhìn vào thành tựu của bạn bè để phấn đấu, nhìn vào mức lương của bạn bè để … tính đường nhảy việc. Chứ đừng nên nhìn vào đó mà so sánh, ganh tị hay dằn vặt bản thân bất tài.

Đừng so sánh mình với bạn bè rồi ganh tị, hơn thua, cay cú

Cảm thấy mình… méo biết gì cả

Đây là cảm giác của các bạn sinh viên khi lần đầu đi thực tập hoặc làm việc thực sự. Ban đầu các bạn sẽ cảm thấy choáng ngộp vì những thứ mình làm khác hẳn những thứ mình được dạy trong trường.

Tham gia vào một dự án với những bác đã làm lâu năm, có nhiều năm kinh nghiệm, các bạn sẽ nhận ra bản thân mình “méo biết gì cả”, bắt đầu tự ti, sợ hãi, lo lắng sẽ không hoàn thành công việc được giao.

Đôi lúc các bạn sẽ cảm thấy mình méo biết gì cả

Tuy nhiên đây cũng là điều bình thường. Các công ty cũng không mong chờ bạn vào là làm được việc ngay, mà sẽ cho bạn một thời gian để rèn luyện (VD bên FPT có chương trình Fresher, rèn luyện tận 3 tháng trước khi vào dự án thực tế).

Điều bạn cần làm lúc này là nỗ lực hết sức trong thời gian này để hấp thu những kiến thức thực tế, không trường nào dạy, chỉ có thể đạt được khi đi làm.

Kết

Lâu lắm rồi mình mới viết một bài khá dài, trải lòng về những cảm xúc tiêu cực mà mình từng gặp phải thuở còn đi học, mới đi làm. Mình nghĩ rằng đây là những cảm xúc, những giai đoạn mà bắt buộc ai cũng phải trải qua.

Do vậy, nếu bạn từng gặp phải những cảm giác thì này cũng đừng nên quá lo lắng. Không chỉ mỗi mình bạn, đôi khi có những người thành công hơn bạn cũng từng trải qua những cảm giác như vậy. Vì thế, cứ tự tin vào con đường lập trình mà mình đã chọn nhé!

Cứ tự tin vào con đường mình đã chọn nhé

Còn bản thân các bạn, liệu các bạn đã từng trải qua những lúc tự ti, phân vân, lo lắng khi đi học, đi làm chưa? 

 

Nguồn: Toidicodedao.com

Similar blogs

Hot Blogs