Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos điều hành Amazon như thế nào?

Người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos điều hành Amazon như thế nào?

Người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos điều hành Amazon như thế nào? - Ảnh 1.
 

Jeff Bezos nói rằng ông luôn đi ngủ sớm, thức dậy sớm và sắp xếp những cuộc họp có hiệu quả trước bữa trưa.

Lấy khách hàng làm trung tâm, phớt lờ giá cổ phiếu và phân biệt rõ thất bại tốt và thất bại xấu. Đây là một trong những nguyên tắc hoạt động của Amazon.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Amazon trở thành công ty lớn mạnh nhất thế giới như hiện nay, Jeff Bezos luôn có một phong cách lãnh đạo riêng biệt. Điều này biểu hiện qua những tâm thư mà hàng năm ông gửi cho các cổ đông cũng như các bài báo và các cuộc phỏng vấn của ông.

Jeff Bezos điều hành Amazon đã gần ba thập kỷ, và ông cũng đưa ra nguyên tắc cho mọi thứ từ giấc ngủ (ngủ đủ 8 tiếng) đến thời điểm tốt nhất để họp (không phải trước 10 giờ sáng).

Điểm chung trong các châm ngôn của ông là nhấn mạnh vào việc không ngừng đổi mới. Triết lý này đã thúc đẩy sự thống trị của Amazon ở mọi mặt cũng như nâng cao văn hóa làm việc của công ty.

Dưới đây là một số bài học về lãnh đạo của Jeff Bezos:

Đưa ra một vài quyết định có chất lượng

Bezos nói với một khán giả tại câu lạc bộ kinh tế ở Washington vào năm 2018 rằng ông luôn đi ngủ sớm, dậy sớm và lên lịch các cuộc họp có hiệu quả trước bữa trưa. Tất cả nhằm phục vụ cho việc đưa ra một vài quyết định rõ ràng và thông minh mỗi ngày. Ông nói thêm: "Mỗi ngày tôi chỉ cần đưa ra ba quyết định là đủ nhưng cả ba đều phải có chất lượng".

Khách hàng là trên hết

Bezos thường cho rằng thành công của Amazon là nhờ vào việc luôn đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Trong một cuộc phỏng vấn của câu lạc bộ kinh tế Washington, ông cho biết rằng từ những ngày đầu thành lập Amazon, ông luôn tham gia tất cả các cuộc họp để thúc đẩy các giám đốc điều hành suy nghĩ về việc các quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến khách hàng như thế nào. Và khi Bezos xem xét việc mở rộng kinh doanh, ông đã gửi email cho 1000 khách hàng ngẫu nhiên. Ông hỏi họ muốn mua gì trên trang web Amazon. Sau khi nhận được phản hồi, ông đã kết luận rằng ông có thể bán bất cứ thứ gì trên internet - đó chính xác là những gì ông ấy đã làm.

Liên tục đổi mới

Viện Drucker là một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại đại học Claremont Graduate ở California. Năm 2019, viện Drucker đánh giá Amazon là công ty được quản lý tốt nhất ở Hoa Kỳ. Yếu tố đã giúp Amazon vượt mặt Apple trong bảng xếp hạng này là sự tập trung cao độ của công ty vào đổi mới. Các nhà nghiên cứu của Drucker cho biết, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Amazon vượt xa các công ty khác. Đồng thời tỷ lệ từ bỏ các đơn đăng ký và bằng sáng chế của Amazon cũng cao hơn các công ty khác. Đây là dấu hiệu của việc sẵn sàng chuyển đổi công nghệ lỗi thời. Không chỉ có công ty, ngay bản thân Bezos cũng có tên trên hàng chục bằng sáng chế của Amazon.

Đề cập đến những đổi mới của Amazon về phần đánh giá của khách hàng, trợ lý ảo Alexa và tính năng mua sắm tiện lợi, ông chia sẻ: "Dù một vài năm sau bạn có phát minh ra một cái đó rất mới lạ, nhưng cái mới rồi cũng trở thành cũ. Mọi người rồi cũng sẽ chán phát minh của bạn. Và chính sự chán ngán đó là động lực lớn nhất cho một nhà sáng chế".

Đối mặt với thất bại

Theo quan điểm của Bezos, thất bại và đổi mới luôn đi liền với nhau. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa thất bại tốt và thất bại xấu. "Khi chúng ta phát triển một sản phẩm, dịch vụ hoặc thử nghiệm mới và nó không hoạt động thì điều đó không sao cả. Đó là một thất bại có ý nghĩa", Bezos khẳng định. Vị tỷ phú này cũng nói thêm: "Còn nếu chúng ta xây dựng trung tâm xử lý đơn hàng mới và đó là một thảm họa thì rõ ràng, việc thực hiện quyết định ấy là một sai lầm".

Tổ chức cuộc họp có hiệu quả

Ông Bezos nổi tiếng với nguyên tắc: Tất cả các cuộc họp phải hiệu quả. Để làm được điều đó, ông yêu cầu những người thuyết trình viết một bản tóm tắt, dài không quá 6 trang, để phát cho mọi người đọc khi bắt đầu cuộc họp. Ông Bezos đã đề cao tầm quan trọng của bản tóm tắt trong một trong những lá thư gửi cho các nhà đầu tư: "Họ rất xuất sắc, chu đáo sắp xếp cuộc họp để có một buổi thảo luận chất lượng cao". Các nhân viên cho biết họ đã dành nhiều tuần để hoàn thiện các bản tóm tắt của mình. Đó là quá trình giúp làm sắc nét các ý tưởng và cải thiện việc đưa ra quyết định và thảo luận.

Phớt lờ giá cổ phiếu

Năm 2018, ông Bezos chia sẻ tại câu lạc bộ kinh tế ở Washington rằng tập trung vào biến động cổ phiếu của công ty là sai lầm, hoặc ít nhất là lãng phí công sức. Ông nói rằng trong nhiều năm qua ông luôn nhắc đi nhắc lại với nhân viên là: "Nếu giá cổ phiếu của công ty tăng 30% trong 1 tháng thì đừng cảm thấy mình đã thông minh thêm 30%. Còn nếu cổ phiếu giảm 30%, đừng vì thế mà cảm thấy mình kém đi". Ông nói thêm: "Đừng bao giờ dành thời gian để suy nghĩ về giá cổ phiếu hàng ngày vì chính tôi cũng chưa bao giờ làm điều đó".

 

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs