Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Sự bùng nổ của thiết bị IoT khiến vấn đề an ninh trên thiết bị thông minh trở nên “nóng”

Sự bùng nổ của thiết bị IoT khiến vấn đề an ninh trên thiết bị thông minh trở nên “nóng”

Ngay từ đầu năm nay, hãng nghiên cứu Gartner đã đưa ra những dự đoán mạnh mẽ về các thiết bị kết nối Internet of Things (IoT). Trong số đó, sẽ có những thiết bị kết nối “khó bảo mật” bao gồm những đồ vật thông minh như TV, tủ lạnh, camera an ninh. Số lượng thiết bị này sẽ tăng 31% trong năm nay, đưa tổng số thiết bị kết nối lên 8,4 tỷ thiết bị, cao hơn khoảng 1 tỷ so với tổng dân số thế giới. Năm ngoái 2016 mới có 6,36 tỷ thiết bị kết nối IoT.

Sự bùng nổ của các thiết bị IoT khiến vấn đề an ninh trên các thiết bị như Router Wifi, Camera IP… trở thành chủ đề nóng trong thời gian gần đây.

Cuộc cách mạng công nghệ đang lan tỏa ra mỗi góc nhỏ của cuộc sống trên trái đất, với Internet of Things và nó cho phép con người phân tích dữ liệu, tự động hóa theo những cách chưa từng có trong kinh doanh.

Gartner dự đoán chi tiêu cho các thiết bị và dịch vụ IoT sẽ đạt 2 nghìn tỷ USD năm 2017, trong đó Trung Quốc, Bắc Mỹ và Tây Âu chiếm 67% các thiết bị.

Thiết bị tiêu dùng đang là động lực tăng trưởng chính của IoT hiện nay, chiếm 5,2 tỷ thiết bị trong năm 2017, tức 63%. Trong khi đó, thiết bị IoT doanh nghiệp sẽ đạt 3,1 tỷ thiết bị.

Gartner cũng dự đoán tổng số thiết bị kết nối sẽ tăng lên 11,19 tỷ vào năm 2018. Sự gia tăng này là do việc ứng dụng các thiết bị trong các ngành công nghiệp, như hệ thống đèn LED, hệ thống an ninh. Năm 2017, mảng thiết bị này sẽ đạt 1,5 tỷ.

Hãng phân tích dự đoán IoT dành cho người tiêu dùng sẽ thống trị trong năm 2020 với 12,86 tỷ thiết bị được lắp đặt, còn các thiết bị IoT cho doanh nghiệp sẽ tăng từ 1,64 tỷ năm 2017 lên 3,17 tỷ năm 2020. Những thiết bị này bao gồm các thiết bị sản xuất, cảm biến cho các nhà máy phát điện, thiệt bị định vị thời gian thực.

Các chuyên gia CNTT đều khẳng định IoT có nhiều cơ hội mang lại lợi ích cho người dùng, đó cũng là nguồn doanh thu mới của nhà mạng trong kỷ nguyên 5G. Tuy nhiên, các công ty sẽ có áp lực phải tạo ra những thiết bị mạnh mẽ, hiệu quả về năng lượng và tương thích nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật cao. Tại buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Làm gì để bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước?” được ICTnews tổ chức hôm qua (21/12), là một chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng Công ty Bkav, cho rằng khi có càng nhiều kết nối thì nguy cơ càng lớn.

Ông Tuấn Anh cho biết, gần đây vào cuối 2016, mã độc Mirai đã xuất hiện. Đây là loại mã độc thường lợi dụng thói quen không đổi mật khẩu mặc định từ nhà sản xuất của người dùng, để tự động dò tìm và lây nhiễm vào các thiết bị IoT. Cách đây 2 tháng, khi phân tích một biến thể mới của Mirai, BKAV cũng phát hiện hacker đang nhắm mục tiêu vào Việt Nam. Trong biến thể này, danh sách mật khẩu bị mã độc sử dụng để tấn công xuất hiện thông tin tài khoản mặc định của nhà mạng tại Việt Nam. Sự bùng nổ của IoT khiến vấn đề an ninh trên các thiết bị như Router Wifi, Camera IP… trở thành chủ đề nóng trong thời gian gần đây.

Kết quả nghiên cứu của Bkav năm 2016 cũng cho thấy có hơn 5,6 triệu router trên khắp thế giới có lỗ hổng, riêng tại Việt Nam con số này là 300 nghìn, tương đương với 300 nghìn hệ thống mạng đang trong tình trạng bỏ ngỏ. Sau khi tấn công, kiểm soát thiết bị IoT, hacker có thể huy động các thiết bị này trở thành botnet trong các cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDoS hoặc kiểm soát toàn bộ truy cập của người dùng trong mạng, thực hiện các hình thức tấn công MitM, Phishing để ăn cắp tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, email... Để phòng tránh nguy cơ bị truy cập trái phép, người sử dụng cần phải kiểm tra, thay đổi mật khẩu quản trị các thiết bị IoT đồng thời tắt tính năng cho phép truy cập thiết bị từ mạng Internet bên ngoài khi không sử dụng. Về phía nhà cung cấp dịch vụ, thiết bị cũng cần thông báo việc phải thay đổi mật khẩu mặc định cho khách hàng sau khi lắp đặt và đưa thiết bị vào sử dụng.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo mật trong kỷ nguyên kết nối, ứng dụng thiết bị IoT gia tăng và phát triển thành phố thông minh, tại sự kiện Qualcomm Snapdragon Technology Day diễn ra ở Singapore hồi tháng Năm vừa qua, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng smartcity chính là sự kết nối trên mạng Internet, vì thế an toàn an ninh mạng là một bài toán chung của tất cả các ngành, các lớp hạ tầng mạng, phần mềm. Với một đất nước kết nối, một thành phố kết nối, nếu một bộ phận gặp trục trặc, nhiễm mã độc hay bị hacker tấn công, hậu quả có thể sẽ lan rộng. Điều này đôi khi mang lại tâm lý lo ngại về hiểm họa tin tặc đe dọa an toàn mạng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Qualcomm Việt Nam, không nên vì “sợ mà chờ”, chậm triển khai thành phố thông minh. Bởi vì, hiện nay đã có rất nhiều giải pháp bảo mật phù hợp, công nghệ cũng phát triển, đảm bảo độ an toàn.

Bảo Bình

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật

Công việc liên quan